9 sai lầm thường gặp khi mua xe

Thứ Năm, 10/12/2015, 10:27 GMT+7

9 sai lầm thường gặp khi mua xe

Mua bán ôtô là công việc thú vị, nhưng đôi khi cũng là quá trình khá phứ tạp. Hậu quả sau đó có thể là bạn đã lỡ bỏ ra mấy trăm triệu đồng để đổ vào một chiếc xe khiến bạn cảm thấy không hài lòng khi sử dụng. Dưới đây là 9 sai lầm mà những người đi mua xe thường mắc phải.

1. Quá “kết” một mẫu xe nào đó

Khi phải quyết định bỏ ra hàng trăm triệu để mua một chiếc xe thì không nên bị tình cảm chi phối. Việc quá thích một mẫu xe nào đó sẽ làm bạn bị “mù” trước những mẫu xe khác mà có thể phù hợp hơn với nhu cầu của bạn, hay có thể làm bạn không chú ý đến các thông tin về an toàn, độ tin cậy, đánh giá hoặc giá cả của mẫu xe đó trong mối tương quan với các xe khác. Hơn nữa, thái độ “kết” một mẫu xe nào đó một cách thái quá của bạn có thể bị lộ trước nhân viên bán hàng, và họ tóm lấy cái đó như là một điểm yếu của bạn, khiến bạn bị rơi vào bẫy của họ và phải trả thêm tiền không cần thiết.

Để có thể quyết định lựa chọn chiếc xe nào, bạn nên để tình cảm sang một bên và chú ý đến các mẫu xe một cách khách quan, so sánh và nhìn nhận lại xem bạn thực sự muốn gì và nhu cầu về xe của bạn như thế nào. Sau khi đã chọn được chiếc xe phù hợp rồi thì hãy dành tình cảm cho nó bao nhiêu cũng được.

2. Bỏ qua quá trình lái thử

Lái thử là một trong những công đoạn quan trọng nhất trong quá trình mua xe. Rất nhiều chiếc xe trông trên ảnh hay trên catalog thì rất long lanh, nhưng chỉ khi lái thử thì bạn mới biết chiếc xe đó có đáp ứng được mong muốn của bạn và nó có phù hợp với gia đình của bạn hay không. Việc lái thử xe cũng chính là lúc giúp bạn làm quen ban đầu với xe, để tránh được những bất ngờ không mong muốn. Thật buồn cười và trớ trêu khi nhiều người chỉ xem qua loa, thậm chí là không đi thử, và đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thất vọng về tính năng hay điều khiển của xe khi đã mua về. Nhiều chuyên gia khuyên rằng việc lái thử nên được tiến hành trong thời gian ít nhất là 30 phút trong những điều kiện địa hình khác nhau.

3. Mặc cả dựa trên giá niêm yết của nhà sản xuất

Không nên sử dụng biểu giá của đại lý để mặc cả khi mua xe. Một người bán hàng khôn ngoan có thể tươi cười nói rằng anh ta sẽ giảm cho bạn khoảng 500 đô la so với giá niêm yết, và nhiều khách hàng có thể chấp nhận ngay. Như vậy là cuộc mua bán thành công mà có lợi cho người bán hàng, trừ khi chiếc xe đó đang trong cơn sốt hay cung không đủ cầu. Chính vì thế, khách hàng trước khi đi mua xe cần tham khảo các thông tin mở trên thị trường thay vì vào trang web của nhà sản xuất để xem giá thực của chiếc xe ấy là bao nhiêu. Việc biết được giá trị thực tế ngoài thị trường của chiếc xe chính là cơ sở để bạn có thể thương lượng chính xác và có lợi nhất.

4. Mua “đại lý” thay vì mua xe

Các nhà sản xuất cũng như nhiều đại lý trong những năm gần đây thường cung cấp các chương trình khuyến mại hấp dẫn, tặng phiếu nọ, phát quà kia, tổ chức các chuyến công du đây đó… Bạn có thể nghĩ rằng những chương trình đó giúp bạn tiết kiệm và kéo lại phần nào chi phí khi mua xe. Nhưng gần như tất cả những thứ đó đã nằm trong chiến dịch marketing và chỉ nhằm mục đích thu hút sự chú ý không chỉ của khách hàng hiện tại mà còn cả những khách hàng tiềm năng của hãng.

Trong trường hợp bạn mua một chiếc xe chỉ vì khuyến mãi lớn, có những ưu đãi này nọ mà không suy nghĩ kỹ càng thì điều đó cũng đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải “chung sống” với một món đồ cả đống tiền mà chưa chắc bạn đã thực sự hài lòng trong suốt một thời gian dài.

5. Đàm phán xong mới nghĩ đến phương thức thanh toán

Bạn có thể đã thành công trong quá trình thương lượng, nhưng nếu không lựa chọn phương thức thanh toán cẩn thận thì có thể sẽ phải trả thêm những khoản tiền mà bạn không lường trước. Hãy chú ý đến tỷ giá hiện thời và kiểm tra cẩn thận từ những nguồn tin cậy nếu thanh toán ngay bằng ngoại tệ. Việc cân nhắc đến phương thức thanh toán đặc biệt quan trọng trong trường hợp bạn mua xe trả góp hay một số phương thức thế chấp. Tỷ lệ lãi suất vay có lợi cho bên bán có thể khiến bạn mất không rất nhiều tiền, vì vậy hãy kiểm tra kỹ thông tin tại các ngân hàng hay các cơ sở tín dụng.

6. Coi nhẹ các tính năng an toàn hiện đại

Các loại xe hơi hiện đại thường được trang bị các tính năng an toàn tiên tiến. Nhưng nhiều khách hàng lại không chú ý đến hoặc đơn giản là không biết các tính năng đó có tầm quan trọng như thế nào. Những công nghệ như Hệ thống phanh chống bó cứng (ABS), Hệ thống cân bằng điện tử tự động (ESC), Túi khí bảo vệ đầu từ hai bên sườn… là những thứ rất đắt tiền. Các nghiên cứu cho thấy ESC có thể làm giảm đáng kể tai nạn và tử vong. Tính năng này đặc biệt quan trọng đối với xe SUV bởi nó giúp chống lật xe. Còn túi khí bảo vệ đầu từ hai bên sườn giúp bảo vệ khỏi chấn thương hoặc tử vong khi bị đâm từ sườn xe. Tiếc là ít người mua xe chú ý đến những điều này mà thường bị hoa mắt trước những lời có cánh của các nhân viên bán xe vào những thứ lặt vặt như màn hình, đầu đọc DVD hay vài thứ trang trí này nọ.

7. Mua những phụ kiện bổ sung không cần thiết

Các đại lý ô tô thường thuyết phục bạn mua thêm những món đồ, để làm tăng lợi nhuận cho họ, nhưng với bạn thì lại là sự hoang phí. Những thứ đó có thể là giá nóc, ốp cản nhựa, chụp nắp bình xăng… Hãy thận trọng xem xét xem bạn có thực sự cần những thứ ấy và phải mất tiền không. Nếu bạn thấy những thứ đó được ghi trên biên lai thu tiền thì đơn giản là gạch đi và từ chối trả tiền cho những món đồ ấy. Một chiếc xe nguyên bản vốn đã có những trang bị cần thiết để có thể hoạt động tốt, trừ khi bạn có nhu cầu đặc biệt phát sinh.

8. Không nghiên cứu kỹ giá trị của chiếc xe bạn đang dùng

Đây là tình huống khi bạn đổi xe. Bạn có thể đạt được thỏa thuận rất tốt với chiếc xe mới, nhưng lại bị thiệt thòi rất lớn với chiếc xe cũ. Một tâm lý thường thấy là cùng một món đồ người này dùng lâu thấy chán muốn vất đi lại có thể là niềm mơ ước của người khác. Chính vì thế trên thị trường hiện nay nhiều người ăn nên làm ra chỉ bằng cách mua của người chán bán cho người thích. Việc bạn cần quan tâm là giá bán lại trên thị trường tự do của chiếc xe bạn đang sử dụng là bao nhiêu. Thông thường thì việc bạn bán chiếc xe đó cho một đối tượng hoàn toàn độc lập (thay vì tìm mọi cách đổi nó lấy chiếc xe mới) thì bạn sẽ được lợi hơn. Hơn nữa, việc biết rõ giá trị còn lại của chiếc xe bạn đang dùng sẽ giúp bạn cứng rắn hơn trong khi thương lượng đổi xe.

9. Không có cơ hội kiểm tra xe đã qua sử dụng

Việc được kiểm tra một chiếc xe đã qua sử dụng là vô cùng quan trọng và cần thiết khi quyết định mua một phiên bản mới (tuy nhiên điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, đặc biệt là khi chiếc xe định mua là mẫu mới toanh). Việc đánh giá này còn phụ thuộc vào điều kiện sử dụng của chiếc xe cũ, bởi một chiếc xe dù rất tin cậy nhưng cũng có thể biến thành cái vỏ chanh nếu không được bảo dưỡng tốt. Thông tin về chiếc xe đã qua sử dụng sẽ cho bạn biết nhiều điều, chẳng hạn như giá trị còn lại của chiếc xe sau khi sử dụng là thế nào, độ tin cậy của từng thiết bị công nghệ trên xe ra sao, tiêu thụ nhiên liệu thực tế sau khi sử dụng có hiệu quả không…

Tags: mua bán ôtô
GiayInAnh.com / Thông tin tham khảo
No avatar
Đăng bởi minhthien
Tham gia 04/03/2015
Cấp độ Administrator
Bài viết 79/79
Tags: mua bán ôtô
GiayInAnh.com / Thông tin tham khảo